SAI LẦM KHI SO SÁNH LÃI BẢO HIỂM VÀ LÃI NGÂN HÀNG
Mua bảo hiểm nhân thọ là để bảo vệ cuộc sống trước những rủi ro chứ không phải là một hình thức đầu tư tài chính sinh lợi cao.
Có rất nhiều người khá hời hợt khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, họ không hiểu hết vai trò ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, cũng như không hiểu chính bản thân mình khi tham gia ký kết hợp đồng với công ty bảo hiểm (nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân). Từ đó dẫn đến hủy hợp đồng trước thời gian đáo hạn, và cho rằng mình bị đại lý và công ty bảo hiểm lừa.
Việc khách hàng không đọc, không hỏi, và không hiểu những điều kiện, điều khoản nội dung hợp đồng mà vẫn tham gia là sự thiếu sót của bản thân. Hơn nữa, khách hàng còn một khoảng thời gian để cân nhắc để có thể hủy hợp đồng mà không mất một khoản phí nào (Trừ những chi phí phát sinh thêm do khách hàng yêu cầu như khám y tế mà công ty bảo hiểm không chỉ định).
Với khách hàng, nếu thật sự muốn kiểm chứng những thông tin về hợp đồng bảo hiểm mà người đại lý cung cấp thì có thể liên hệ các bộ phận dịch vụ khách hàng, bộ phận pháp lý của công ty bảo hiểm để kiểm chứng một cách dễ dàng.
Nếu tham gia bảo hiểm để bảo vệ cuộc sống những thành viên trong gia đình trước những rủi ro thì đó là quyết định đúng, nhưng nếu "gửi" tiền bảo hiểm để sinh lãi và kỳ vọng lãi cao thì hãy tìm các hình thức đầu tư khác.
Đừng bao giờ so sánh khập khiễng giữa tham gia bảo hiểm và gửi ngân hàng. Hai hình thức mang bản chất hoàn toàn khác nhau. Nếu nhân viên tư vấn bảo hiểm thật sự chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp, điều này sẽ được trao đổi với khách hàng.
Nhiều người thường nhầm tưởng rằng khi tham gia bảo hiểm khách hàng sẽ vừa nhận được các quyền lợi bảo vệ, vừa nhận lãi tích lũy đầu tư mà không mất đi bất kỳ chi phí gì hoặc mất rất ít. Sự thực là doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh rủi ro, do đó, trong một hợp đồng bảo hiểm, sẽ có rất nhiều khoản chi phí mất đi trước khi tích lũy vào tài khoản khách hàng: Chi phí ban đầu, chi phí chấm dứt hợp đồng, chi phí rút tiền từ giá trị tài khoản, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, và nhất là chi phí bảo hiểm.
Gừng càng già càng cay, giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm cũng vậy. Trong những năm đầu tiên, giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm thường rất ít vì phải bù đắp cho những chi phí liên quan như trên, cũng như các chi phí hành chính khác. Một loại chi phí mà khách hàng phải tìm hiểu rõ trước khi ký hợp đồng là chi phí bảo hiểm rủi ro. Để đảm bảo nhận được số tiền như trên khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì khách hàng phải trả chi phí bảo hiểm rủi ro, một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn trực tiếp đến yếu tố bảo vệ và tích lũy của mọi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Chi phí bảo hiểm rủi ro là một phần trong phí đóng bảo hiểm định kỳ và là chi phí thực tế phải trả để công ty bảo hiểm bảo vệ cho khách hàng với số tiền bảo hiểm đã chọn. Hay nói cách khác đây là giá các quyền lợi mà khách hàng hoặc gia đình nhận được khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Những năm đầu của hợp đồng bảo hiểm, số tiền khách hàng đóng rất thấp so với số tiền được bảo hiểm, nên chi phí rủi ro sẽ cao. Cộng với những chi phí nêu trên, đó là lý do tại sao hủy hợp đồng những năm đầu tiên thì nhận lại giá trị tài khoản rất thấp.
Nhiều khách hàng khi gặp đại lý chỉ quan tâm đến những vấn đề quà cáp và giảm phí đóng năm đầu tiên mà quên rằng năng lực, phẩm chất và đạo đức của người đại lý mới là quan trọng cho một hành trình dài bảo vệ của hợp đồng bảo hiểm. Điều quan trọng cần nhớ là không giao phó toàn bộ trách nhiệm cho đại lý bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm là do người tham gia lựa chọn, đóng phí và hưởng quyền lợi bảo hiểm nên đừng bao giờ giao hết trách nhiệm cho người đại lý. Dù đại lý có thể tư vấn và hỗ trợ khách hàng tốt đến đâu thì công ty bảo hiểm mới là tổ chức chi trả quyền lợi cho khách hàng, vì vậy mỗi cá nhân khách hàng hãy tự có trách nhiệm với chính số tiền đóng và quyền lợi bảo hiểm của mình. Hãy dành thời gian cân nhắc để đọc kỹ điều khoản hợp đồng và hiểu tường tận các khúc mắc trong hợp đồng thông qua sự giải đáp của nhân viên đại lý.
Các công ty bảo hiểm cũng cần nâng cao chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, giám sát để đảm bảo nhân viên không chỉ vững về kiến thức mà còn có đạo đức nghề nghiệp tốt. Có như vậy thì càng ngày càng ít đi những lời "đấu tố" đại lý và công ty bảo hiểm lừa đảo.
Khi vẫn còn xem bảo hiểm là chuyện của một ai đó, thì mỗi người đã vô tình bỏ lỡ cơ hội để bản thân, gia đình được sớm bảo vệ, tự chủ về tài chính và tự tin hơn trong cuộc sống.
Đừng là người tham gia bảo hiểm thiếu trách nhiệm. Khi đã đồng ý tham gia, bản thân phải thực sự hiểu đầy đủ và chính xác về hợp đồng bảo hiểm sẽ ký. Hãy yêu cầu đại lý giải thích, trình bày bất kỳ điều gì chưa rõ, chưa thỏa mãn. Đừng vì thương tình, cả nể đại lý mà tham gia bảo hiểm với họ. Tham gia nhân thọ cho mình và gia đình mình chứ không phải cho đại lý.
Trần Ngọc Cường
(Theo Vnexpress.net)