10 kinh nghiệm khi lái xe qua đường ngập
Với một người đã từng lái ô tô, chắc hẳn phải một lần trong đời gặp đường ngập nước dù ngập sâu hay nông. Mùa mưa đến thì việc lái xe qua vùng ngập là khó tránh khỏi, đặc biệt là các tuyến đường trong thành phố, khu dân cư. Việc lái xe qua vùng ngập an toàn hay “nằm luôn tại chỗ” thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh của “tài già” hay chỉ là “tay mơ”.
Làm sao có thể vượt qua đường ngập thành công? Để hệ thống lại, Thanh Dat Auto tổng hợp một số kinh nghiệm từ các nguồn thông tin, từ các anh em lái xe đã từng trải qua và từ chính bản thân đã có vài lần chinh chiến để chia sẻ thêm làm sao có thể tránh được các sự cố và sau đó có thể là các tổn thất không mong muốn khi di chuyển qua vùng ngập. Nếu có ví việc lái xe qua đường ngập là nỗi kinh hoàng của không ít bác tài kiểu như chiến đấu trên "chiến trường" và các bác tài là những "chiến binh" thì cũng không ngoa. Vậy thì phải “hiệp đồng tác chiến” như thế nào để giành phần thắng và “độ sát thương thấp nhất”, hãy cùng Thanh Dat Auto điểm qua một số kỹ năng dưới đây.
1. Ba mươi sáu kế, tẩu vi thượng sách
Tôi chắc chắn các bác tài đã từng đọc hoặc nghe qua kế sách đơn giản mà vi diệu này. Trong binh pháp thì được xếp vào kế sách cuối cùng, nhưng đây là lái xe qua vùng ngập nước nên Thanh Dat Auto phải xếp ngay vào vị trí đầu tiên. Vừa nói ra trận mà chưa hô được xung phong đã tìm đường trốn thì nghe có vẻ không ổn nhưng lý do tại sao thì mời các bác đọc đến cuối bài sẽ rõ. Theo đó, khi trước mặt là vùng ngập mà các bác cảm thấy nước quá sâu, đừng manh động, hãy tìm cơ hội khi nào đoạn đường ngược chiều với mình vắng xe, đánh lái và quay đầu nhanh và tìm đường khác. An toàn trên hết vì quay đầu bao giờ cũng là bờ. Nhưng nếu vẫn phải đi qua vùng ngập thì còn cách nào hơn không? Lúc này thì lỡ rồi, chơi tiếp chứ làm sao bây giờ!
2. Biết ôm "súng" chưa đủ, phải biết mình đang ôm "súng" gì"
Đương nhiên một điều khi đã ôm “súng” ra trận, các bác tài đã phải biết “súng” của mình như thế nào rồi, tuy nhiên để hiểu và nắm được toàn bộ thì có lẽ vẫn còn thiếu. Khi di chuyển qua đoạn đường trước mặt mà bị ngập thì các bác phải nhớ lại tầm cao gầm xe là khoảng bao nhiêu, vị trí lọc gió nằm ở độ cao tầm nào, độ cao ống xả và liệu với trạng thái như vậy liệu đã đủ an toàn để không làm cho hộp điện, cầu chì, lọc gió và các thiết bị khác liên quan không bị ngập nước trước khi xác định có nên “liều một phen” hay không. Các yếu tố này rất quan trọng vì một khi đã đi vào vùng ngập mà dính nước thì nguy cơ “nghỉ tại chỗ” là rất cao.
3. “Trâu chậm” nhiều khi uống nước trong, lính xung phong thường hy sinh trước
Khi đảm bảo được xe có đủ yếu tố an toàn thì các bác cũng đừng vội xông lên ngay. Trong trường hợp đi trên phố hay đường quốc lộ thì cũng cố đi chậm lại vì chắc chắn rằng sẽ có xe đi trước không ô tô thì cũng là xe máy. Đây là cơ hội để các bác tài có thể quan sát xem mực nước ở các vị trí mà xe trước bị ngập cao hay thấp, ở nửa bánh xe hay cả bánh xe, ngập bậc lên xuống hay mấp mé sàn ca-bin trước khi ra quyết định “thừa thắng xông lên”.
4. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu
Trước khi đi vào đoạn đường ngập, hãy tắt điều hòa và hạ cửa kính xuống. Nếu bật điều hòa khi lái xe qua vùng nước ngập có thể làm chết động cơ bởi khi quạt quay, sẽ có thể hút nước vào trong động cơ. Nếu động cơ không bị chết, quạt điện tử có thể cuốn rác rưởi đang trôi trong nước làm gãy cánh quạt khiến động cơ bị tăng nhiệt. Mặt khác, cẩn thận đặc biệt nếu xe đang chở hàng nặng, sức kéo của xe có thể bị giảm do trọng lượng hàng hoá cộng với lực cản của nước ngập cũng dễ làm cho xe dễ chết máy.
5. Xác định vùng nguy hiểm trên “chiến trường” trước mặt thêm lần nữa
Đối với đường quốc lộ, mặt đường rất dễ bị sạt lở hoặc vỡ. Bạn cũng nên cảnh giác với những con đường không quen thuộc vì chúng có thể có những chỗ trũng hoặc nguy hiểm hơn là hố ga trôi mất nắp bị ngập nước quá sâu khiến xe bị sập hố hoặc không thể vượt qua. Cố gắng lái xe đi vào giữa phần đường hoặc gần đó bởi vì thông thường hố ga được đặt tại điểm giữa hoặc hai bên sát lề đường và ở giữa phần đường nước thường sẽ nông nhất.
6. “Thừa thắng xông lên”
Khi đã đảm bảo được các điều kiện cần và đủ, việc tiếp theo là “thừa thắng xông lên” nhưng cần xuất phát như thế nào để an toàn nhất?
Số 1 là số khoẻ nhất. Nói ra thì đúng là câu này bị thừa nhưng sự thật nó không chỉ khoẻ nhất mà khi đi qua đường ngập thì nó là an toàn nhất. Khi đã quyết liều một phen thì việc sử dụng số càng thấp càng tốt. Thứ nhất, số thấp cho lực kéo tốt nhất để có thể rướn qua vùng ngập kể cả không may gặp ổ gà tại chỗ ngập hoặc bị xe đi ngược chiều chạy nhanh tạo thành đợt sóng đập ngược vào xe mình thì vẫn có thể băng qua được. Thứ hai, an toàn vì xe không thể đi nhanh tránh gây va chạm với các xe đi bên cạnh do trong lúc lái xe qua đường ngập gặp dòng chảy của nước, hệ thống lái chắc chắn bị ảnh hưởng và không ổn định đặc biệt với xe máy. Do vậy đảm bảo an toàn cho cả xe của mình và xe đi bên cạnh.
7. “Chiến đấu trong lòng địch”
Cố gắng đi chậm dần vào vùng nước ngập với tốc độ thấp tầm 3 – 5 km/giờ sau đó tăng dần lên khoảng 5-10 km/giờ khi đã ở trong vùng ngập nước. Khi xe chạy chậm sẽ không gây ra những đợt sóng lớn đảm bảo nước không tràn lên phía động cơ, giảm nguy cơ nước xâm nhập qua bộ lọc không khí và hư hại đến các thiết bị điện và điện tử. Nếu tốc độ cao hơn sẽ khiến nước văng lên bị đẩy vào khoang động cơ thông qua lưới tản nhiệt trước.
8. Thử thách bản lĩnh chinh chiến
Như đã nói trong phần trên, khi đã nằm “trong lòng địch” thì một chút bất cẩn thôi cũng làm hỏng toàn bộ những gì đã cố gắng. Số 1 hoặc số 2 sẽ cho vòng tua máy cao và tốc độ xe thấp. Hơi khó điều khiển tuy nhiên hãy cố gắng lái xe với tốc độ ổn định bằng cách giữ chân côn và chân ga nhịp nhàng vì khi động cơ giảm tốc ống xả không đẩy nước ra mà có thể nước sẽ tràn vào làm hư hại bộ chuyển đổi xúc tác khí thải. Đồng thời bộ lọc không khí phía trước có thể hút nước vào động cơ, vì vậy hãy lái thật chậm. Dù như thế nào mà điều cuối cùng xấu nhất nếu xảy ra thì chi phí sửa chữa sẽ cao là có thật.
9. Giữ vùng đệm, đừng "giáp lá cà”
"Giáp lá cà" trong khi lái xe trên đường không chỉ gây ra nguy hiểm cao nhất ngay cả khi đường sá trong điều kiện khô ráo. Với đường ngập thì không chỉ nguy hiểm mà còn tổn thất nặng nề. Khi lái xe, điều khiển xe quá gần với đuôi xe trước mặt thì xe sau gần như mất kiểm soát về tốc độ vì khi xe trước phanh gấp hoặc dừng đột ngột kiểu bất ngờ chết máy thì xe sau cũng phải phanh gấp và dừng theo (chưa kể đến việc mất kiểm soát hoàn toàn thì có thể "hôn em nó" bất kỳ lúc nào) khi đó xe mất đà, không thể giữ ga, khả năng xe chết máy là rất cao, nước bên ngoài chỉ chờ có thế là ập vào qua ống xả. Đến nước này thì các bác tài có thể đoán được tương lai rồi..
Vì vậy, việc giữ khoảng cách đối với xe trước là một lợi thế trong trường hợp nếu xe trước có dừng đột ngột thì xe mình vẫn có cửa để di chuyển chậm đều trước khi dừng (hoặc có khi không cần dừng nếu xe trước đi tiếp được). Việc bị dừng đột ngột thì các bác tài không thể tiếp tục đạp ga lúc đó xe chỉ nổ máy cầm chừng, việc nổ máy cầm chừng thì rất có thể động cơ không đủ mạnh để đẩy nước ra nếu như ống xả bị ngập. Và cuối cùng, nếu lỡ bị sặc nước thì kết cục sẽ rất bi thảm.
10. Bình tĩnh xử lý tình huống
Cuối cùng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, cho dù đã cố gắng hết sức mà xe chết máy thì làm sao bây giờ. Xin trả lời ngay với các bác tài rằng thôi coi đây là định mệnh, dù không muốn nhưng không làm khác được nhưng nếu không biết cách xử lý thì vẫn viêm túi như thường. Đến nước này thì làm theo cách mà ông bà ta thường nói: “Đắm đò thì giặt mẹt”. Việc trước tiên là chấp nhận xin "ngừng chiến"; thứ hai quan trọng nhất là không cố đề máy vì lúc này khả năng nước tràn vào khoang động cơ là có, nếu cố đề máy sẽ làm hư hỏng các bộ phận chuyển động bên trong như tay biên và các trục hoặc bánh răng; thứ ba là chờ nước rút, gọi "đồng minh" (cứu hộ) kéo xe về ga-ra gần nhất hoặc các đại lý.
* Mẹo vặt
Trường hợp nước ngâp cao hơn nửa bánh xe thì các bác tài làm thêm động tác nho nhỏ này để đảm bảo an toàn hơn: mở nắp ca-pô tháo ống hút lọc gió ra, để lấy gió trực tiếp vào động cơ. Sau khi qua đường ngập lụt thì các bác lắp lại bình thường để tránh nước vào theo đường lọc gió nhé. Tôi biết việc này hơi mất thời gian nhưng vì tính hữu ích, các bác tài nên luyện tập trước vào những hôm trời đẹp, đừng để “nước đến chân mới nhảy” thì không kịp nữa.
Với các kinh nghiệm lái xe và cách xử lý tình huống khi qua đường ngập như đã chia sẻ, Thanh Dat Auto hy vọng sẽ giúp ích cho các bác tài có thêm thông tin để dùng trong trường hợp cần thiết dẫu biết rằng cho dù có bơi tại chỗ trong vùng ngập hay có vượt qua được thì tổn thất vẫn phải đối mặt. Vì vậy đây là lý do trong phần đầu tiên Thanh Dat Auto đã đưa luôn kế “chuồn” trong Tam thập lục kế lên vị trí đầu vì với tình huống một mất một còn đặc biệt này thì chỉ cần “sai một li là đi một xị”. Mặc dù không ai mong muốn xe bị ngập nhưng đôi khi có những điều không thể làm khác được nên mong rằng những thông tin chia sẻ trên đây giúp ích cho tất cả các bác tài tự tin khi bất đắc dĩ phải chiến đấu và tránh được những tổn thất không đáng có.